Gần đây, báo chí liên tục đưa tin những đứa bé sơ sinh vừa lọt lòng chưa kịp chào thế giới đã bị chính những người sinh ra mình hủy diệt bằng nhiều cách. Mới đây thôi, tôi lại tê tái cõi lòng khi đọc được tin người ta tìm thấy một xác trẻ sơ sinh ở Nam Đồng (Hà Nội). Đọc những bài báo, thấy người ta mô tả thân hình bé nhỏ của các bé quằn quại trong tổn thương và đau đớn, tôi chợt nhớ đến con mình cách đây năm năm...
Một đêm mùa mưa, Sài Gòn lạnh lẽo và chìm trong cơn áp thấp nhiệt đới. Đã gần 22 giờ, cơn mưa trắng trời càng làm thành phố thêm hoang vắng. Tôi tan ca muộn, về đến con hẻm rẽ vào nhà thì nghe văng vẳng tiếng khóc. Trong tiếng rào rào của mưa và gió thốc, ngỡ mình nghe nhầm nhưng tiếng trẻ oa oa thảm thiết ngày một yếu đi. Cố tìm trong bóng tối tù mù, tôi phát hiện một hình hài nhỏ bé co quắp lại trong chiếc khăn lông sũng nước ngay dưới cột đèn đường.
Đó là một bé gái độ mười ngày tuổi, da nhăn nheo vì lạnh, cơ thể đã tím tái đang trân mình khóc không ra tiếng và đang lịm dần đi. Cố nhìn xung quanh nhưng không thấy một bóng người, tôi đành mang bé vào nhà. Sau khi giải thích qua loa với gia đình, tôi lau khô người và ủ ấm cho bé nhưng bé vẫn khá hơn, ngược lại, hơi thở càng yếu dần, lồng ngực co thắt lại, mi mắt nhấm nghiền và một giọt nước mắt trào ra. Có lẽ bé đang phải cố gắng chống chọi lại với thần chết đang lởn vởn quanh mình. Dự chuyện chẳng lành, tôi và chồng tức tốc đưa bé vào bệnh viện...
Đón bé từ tay tôi, bác sĩ hét váng lên tại sao để bé ra nông nỗi này mới đưa vào viện, và nhanh chóng đưa bé vào phòng cấp cứu. Hơn ba giờ đồng hồ, cửa phòng đóng im ỉm, vợ chồng tôi từ hoang mang vì “bị” kéo vào chuyện không phải của mình chuyển sang bồn chồn lo lắng cho sinh mệnh đứa trẻ. Hai giờ sáng, cửa phòng cấp cứu hé mở, bác sĩ mệt mỏi bước ra cho hay, do ngâm trong nước quá lâu, phổi bị tổn thương nghiêm trọng, các vùng nội tạng khác cũng có dấu hiệu tổn thương do va đập từ bên trong, đặc biệt, chân trái của cháu có khả năng không cử động được. Bác sĩ bảo chưa bao giờ gặp một bé sơ sinh nào để “thương tích đầy mình” như vậy. Và không đưa ra dự đoán nào khả quan hơn.
Suốt ba ngày trời, tôi trở thành “bà mẹ bắt đắc dĩ” khi túc trực trong bệnh viên để theo dõi tình hình bé. 3 ngày liên tiếp, bé nằm trong phòng chăm sóc đặc biệt và chưa có dấu hiệu hồi tỉnh. Chồng thấy cảnh vợ như vậy thì không đành, bàn hãy để bé lại đó cho bác sĩ lo, vợ chồng “rút lui” xem như đã làm tròn trách nhiệm của con người, nhưng tôi đắn đo. Bé bất hạnh từ khi lọt lòng để phải trai qua thời khắc thập tử nhất sinh trên giường bệnh, chưa biết có qua khỏi không. Tại sao giữa thành phố bao nhiêu người, không ai phát hiện ra bé, mà chỉ mình mình? Phải chăng đó là cái duyên, là điều mà tạo hóa đã cố tình sắp đặt. Giờ chẳng lẽ tôi lại bỏ rơi bé lần nữa sao? Vốn chưa con cái nên tôi nghĩ, đã là duyên số thì hãy nhận bé về làm con, hãy chăm sóc bé đến khi nào có thể và đến giây phút cuối cùng của đứa trẻ xấu số này. Tôi nói trong nước mắt, thuyết phục chồng hãy mở lòng ra, chấp nhận điều đó như đó là con mình… Y nghĩ kỳ quặc của tôi ban đầu tuy có vấp phải sự phản đôi của chồng và họ hàng nhà chồng. Tuy nhiên, vì thương vợ, chồng tôi đã dũng cảm đứng ra đồng ý nhận đứa trẻ làm con…
Sao tôi có thể nhẫn tâm để bé bơ vơ trong tiếng khóc đòi mẹ xé lòng (ảnh minh họa)
Ngày thứ 6, bé được chuyển ra phòng hồi sức, bác sĩ bảo tình trạng tạm thời ổn và cho “người nhà” vào thăm. Mới mười ngày tuổi, bé trải qua cuộc vật lộn sinh tử để giành lại cuộc sống. Bác sĩ bảo bé có ý chí sống rất tốt, nếu không đã không qua khỏi ngày thứ 3… nghe mà thương đến rơi nước mắt. Nhìn sinh linh bé nhỏ đang cố gắng mở mắt nhìn gương mặt “người mẹ” xa lạ và bàn tay còn lằng nhằng dây nhợ huơ huơ cọ vào gương mặt mẹ, trong tôi bỗng dấy lên tình thương vô hạn. Tôi biết, chính giây phút đó, tôi đã thề với lòng sẽ coi bé là con mình và chăm sóc đến khi nào nhắm mắt xuôi tay…Hai tháng sau con được xuất viện, cũng là lúc vợ chồng tôi hoàn thành thủ tục nhận bé làm con của mình, đón bé về với ngôi nhà nhỏ nhưng ấm cúng cùng lời hứa sẽ không bao giờ bỏ rơi con. Hai tháng tuổi, bác sĩ cảnh báo bé vẫn chưa hoàn toàn hồi phục, phải chú ý chăm sóc thật tốt và theo dõi chặt chẽ để tránh nguy hiểm vì phổi bé rất yếu. Chân bé vẫn chưa thể cử động được, chúng tôi phải kiên trì vật lý trị liệu…Khó khăn là thế, nhưng chúng tôi, cùng nhau, một gia đình đủ đầy, tôi tin rồi sẽ vượt qua.
Chúng tôi đặt tên bé là Bình Minh – ánh mặt trời bắt đầu mỗi ngày, báo hiệu một ngày mới, sức sống mới.
Năm năm ròng, Bình Minh từ đứa trẻ với chân trái xiêu vẹo, những bước đi khập khiễng, run rẩy yếu đuối, dựa vào sự kiên trì của vợ chồng tôi và sức sống bền bỉ bản thân, giờ đây con đã có thể bước đi vững vàng, đến trường và hoạt bát như bao đứa trẻ khác. Dù thi thoảng, trái gió trở trời, con hay ho hen, mệt, thở khó nhọc do căn bệnh từ nhỏ vẫn còn ảnh hưởng. Dù thi thoảng, chân con cũng không cho phép chạy nhảy như các bạn cùng lứa, con cũng rưng rưng nhìn bạn bè chay chân sáo rồi nhìn lại chân mình và hỏi mẹ sao chân con lại yếu thế kia, nhưng con chưa bao giờ tỏ ra yếu đuối hay khóc lóc vì sự thua thiệt này.
Vợ chồng tôi nhìn con lớn, thầm cảm ơn trời đã mang con đến với chúng tôi. Có lẽ, vì một người mẹ vô tâm, bất nhân nào đó đành lòng bỏ rơi con năm nào mà chúng tôi mới có được niềm hạnh phúc như hôm nay, nhưng xin cầu trời, đừng có thêm những đứa trẻ tội nghiệp nào bị bỏ rơi và tướt đoạt sinh mệnh như thế nữa…
Theo khampha